Có vào bệnh viện, bạn mới thấy đây là nơi người bệnh đang đấu tranh, giành giật giữa sự sống và cái chết, nơi nhận ra rõ nhất quy luật “sinh – lão – bệnh – tử”, đầy rẫy khổ đau. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, quái ác thì án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu họ. Nhưng cũng chính nơi đây bạn sẽ thấy tình người rõ nhất. Đội ngũ y, bác sĩ luôn quan tâm, săn sóc người bệnh hằng ngày, nhắc nhở uống thuốc, động viên an ủi… Và đó còn là nơi bạn sẽ thấy những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài hay nụ cười của bệnh nhân khi được khỏe mạnh, hồi phục. Có đến các cơ sở y tế, bệnh viện và có chứng kiến, bạn mới cảm nhận được hết những việc làm ý nghĩa của đội ngũ thầy thuốc. Với cường độ và áp lực làm việc căng thẳng, liên tục trong thời gian dài, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, nghề nghiệp của bác sĩ đòi hỏi lao động trí óc nặng nề, nhiều áp lực đến cùng một lúc. Đội ngũ y, bác sỹ phải liên tục tiếp cận và xử lý với nhiều ca bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y, nhiều chứng bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người thầy thuốc. Hằng ngày, hằng giờ, các y, bác sỹ có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật từ máu, mủ, vi trùng, vi rút… của bệnh nhân. Phần lớn thời gian công tác, bác sĩ phải gắn với môi trường nguy hiểm, nơi mà sự chết chóc rình rập, tiếng khóc, tiếng rên rỉ, than thở, máu và nước mắt, stress luôn bủa vây quanh mình. Sự hy sinh thầm lặng cho nghề ấy, không phải ai cũng biết.
Khi thành phố tắt đèn, mọi người chìm vào giấc ngủ say sưa còn các bác sĩ đang vào ca trực, phải thức thâu đêm suốt sáng. Có khi chợp được mắt thì bàng hoàng tỉnh giấc bởi tiếng động cơ xe cấp cứu đưa bệnh nhân nhập viện, hoặc tiếng người nhà bệnh nhân gọi í ới, thậm chí những tiếng chửi mắng om sòm của những nạn nhân say xỉn… Lập tức bác sĩ phải cứu chữa bệnh nhân ngay trong đêm khuya. Có khi đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả… Tuy vậy, các bác sĩ không một lời than phiền, kêu ca mà xem đó là trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu”. Vì sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân, người thầy thuốc làm hết khả năng của mình từng giờ, từng phút từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho họ. Nụ cười của bệnh nhân là nụ cười của bác sĩ.
Bên cạnh những điều tốt đẹp ấy, nghề thầy thuốc cũng chịu áp lực rất lớn từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Đối tượng mà các bác sĩ tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà của họ. Mà họ thì không ai giống ai, từ tình trạng bệnh đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử của từng người. Để gần gũi, hiểu được điều họ muốn không phải là chuyện dễ. Có trường hợp người nhà bệnh nhân không kiềm chế được cơn tức giận liền nổi nóng, la ó thậm chí xúc phạm đến các bác sĩ.
Nhưng các bác sĩ vẫn phải phải giữ thái độ niềm nở, nhẹ nhàng, bình tĩnh và đặt việc cứu chữa người bệnh là trên hết chứ không có thời gian đôi co với họ. Tôi nghĩ mọi người cần có cái nhìn bao dung hơn, thiện cảm hơn với người làm ngành y tế. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này. Là nghề đặc biệt, nghề được cả xã hội biết đến, được cả xã hội trân trọng, quý mến thì sức ép, trách nhiệm và áp lực đối với nghề của người thầy thuốc cũng rất nặng nề. Trong chuyên môn, người thầy thuốc không thể tiên lượng, đánh giá hết được mọi sự cố bất ngờ, cùng với đó những tai biến trong nghề nghiệp luôn rình rập, dễ xảy ra bất cứ lúc nào dù người thầy thuốc đã cố gắng hạn chế thấp nhất mọi rủi ro, ranh giới giữa cái chết và sự sống gần nhau trong gang tấc. Như vậy sẽ tạo ra cho xã hội có những bức xúc, phản ứng dữ dội đối với nghề y, đối với người thầy thuốc. Tôi còn nhớ câu nói của một bác sỹ có tiếng tăm trong lĩnh vực phẫu thuật: “Nghề y – một con đường gian nan, lắm chông gai, người thầy thuốc dù cố gắng đến mấy cũng khó tránh khỏi những mũi gai vô hình. Phẫu thuật cứu sống cả nghìn người chưa chắc đã nhận được một lời khen. Nhưng không may sơ sẩy một ca bệnh thì thân bại danh liệt”.
Bởi thế xin được san sẻ cùng mọi người thấu hiểu cho một nghề đặc biệt của bác sĩ, hãy đừng vì quá bức xúc mà xem thầy thuốc là cội nguồn của nguyên nhân để rồi có thể có những đánh giá, phản ứng quá mức đối với thầy thuốc. Còn nữa, các bác sĩ không khỏi day dứt vì trong ngành đâu đó vẫn còn những hiện tượng thái độ chưa đẹp, chăm sóc chưa tốt, thờ ơ đến vô cảm với người bệnh… dẫn đến sự mất mát, đau đớn và tổn thất lớn mà không gì bù đắp được của gia đình người bệnh. Đặc biệt hiện tượng phong bao, phong bì vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi và diễn ra hàng ngày, làm ảnh hưởng không tốt cho toàn ngành y tế, làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của đội ngũ thầy thuốc chân chính; phẩm chất, đạo đức của người thầy thuốc bị khinh rẻ, xem thường…. Tôi nghĩ đó chỉ là những hiện tưởng nhỏ lẻ, cá biệt, một vài “con sâu làm rầu nồi canh”. Tôi đọc đâu đó ở diễn đàn sinh viên y khoa quốc tế một vài câu nói rằng: “Nếu bạn muốn trở nên giàu có thì đừng làm bác sĩ” hoặc “Đừng bao giờ nghĩ bạn có thể thay đổi thế giới nếu bạn là bác sĩ”…
Nguồn: Diễn đàn y khoa
Ý kiến bạn đọc